daotaodtc@gmail.com 02633.554.913 | 0948.33.54.54

Một số giải pháp đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng cho ngành Du lịch trong bối cảnh hiện nay

Một số giải pháp đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng cho ngành Du lịch trong bối cảnh hiện nay

1. Khái quát về thực trạng phát triển nhân lực du lịch thời gian qua

Ngành Du lịch đang ngày càng phát triển và khẳng định được vị thế của mình. Hoạt động du lịch đã và đang chứng minh khả năng và vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế đất nước và tạo nhiều việc làm cho xã hội, gián tiếp làm tăng mức chi ngân sách sự nghiệp cho các hoạt động khác, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Thời gian vừa qua, trong điều kiện bất ổn chính trị xảy ra nhiều nơi trên thế giới, kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, khí hậu biến đổi với nhiều sự cố về môi trường, ngành Du lịch Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng cao. Năm 2015, tổng số khách quốc tế đạt 7.943.600 lượt, khách nội địa đạt 57 triệu lượt, tổng thu du lịch đạt 338.000 tỷ đồng. Năm 2016, ngành Du lịch đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt 400.000 tỷ đồng. Năm 2017, đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 73,2 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt 510.900 tỷ đồng. Năm 2018, Việt Nam đón gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế (gần gấp đôi năm 2015), phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch ước đạt khoảng 620.000 nghìn tỷ đồng.

Do tăng trưởng rất nhanh nên kéo theo nhu cầu về nguồn nhân lực du lịch cũng rất lớn. Ngày 29/9/2011, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực du lịch giai đoạn 2011 – 2020 trong đó đặt ra mục tiêu tạo ra 3 triệu việc làm, với khoảng 870.000 việc làm trực tiếp và tỷ lệ tăng bình quân mỗi năm 6%. Năm 2025 số lao động các loại làm việc trực tiếp trong ngành Du lịch ước tính theo nhu cầu dự báo là trên 1.165.000 người với tốc độ tăng trưởng là 6,2% năm. Tuy nhiên, với thực tế tăng trưởng “nóng” của ngành Du lịch những năm vừa qua, với cơ hội mới, với bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và yêu cầu cao hơn của sự phát triển đất nước, ngày 16/01/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đặt ra mục tiêu “Đến năm 2020 thu hút được 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á”.

Thực tiễn cho thấy, phát triển nhân lực đóng vai trò quyết định trong chiến lược phát triển du lịch của đất nước. Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Du lịch giai đoạn 2011-2020 cũng đã khẳng định số lượng, chất lượng và cơ cấu nhân lực là yếu tố quyết định khả năng hấp dẫn, thu hút, phân phối, lưu giữ khách cho sản phẩm và thương hiệu du lịch quốc gia.

Việt Nam tham gia Cộng đồng ASEAN (với ba trụ cột Cộng đồng Chính trị – An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội) vào ngày 31/12/2015, đã thúc đẩy sâu và mạnh quá trình hội nhập với khu vực và thế giới. Du lịch là một trong 08 lĩnh vực, ngành nghề được chọn hội nhập ở mức cao, đánh dấu một dấu mốc vô cùng quan trọng. Lao động du lịch Việt Nam có thể làm việc ở lĩnh vực du lịch của tất cả các quốc gia thành viên ASEAN và doanh nghiệp Việt Nam có thể tuyển dụng nhân lực du lịch chất lượng cao trong Khối. Đây là cơ hội lớn đồng thời cũng là thách thức không nhỏ đối với ngành du lịch nói chung, đội ngũ nhân lực du lịch nói riêng. Tại nhiều diễn đàn, nhiều nhà khoa học đã lo ngại việc lực lượng lao động du lịch Việt Nam có thể sẽ bị mất việc làm ngay chính trên sân nhà nếu không trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng cần thiết và được thừa nhận rộng rãi.

Trong xu thế phát triển của ngành Du lịch và trước tình hình hội nhập quốc tế sâu, rộng trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước xác định cần có những chính sách thiết thực đảm bảo cho Du lịch Việt Nam ngày càng phát triển và có vị trí xứng đáng trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch có chất lượng của khu vực và trên thế giới. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã xác định phát triển nguồn nhân lực du lịch là một trong những giải pháp quan trọng cần phải thực hiện bài bản và quyết liệt trong thời gian tới để thực hiện thành công Nghị quyết.

Như vậy phát triển nguồn nhân lực du lịch là một yêu cầu tất yếu khách quan. Tuy nhiên nguồn nhân lực du lịch bao gồm có nhân lực lao động trực tiếp và nhân lực lao động gián tiếp, trong nhân lực lao động trực tiếp tuỳ theo từng tiêu chí phân loại lại được chia thành nhiều nhóm, bậc khác nhau mà mỗi nhóm, bậc lại cần có mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển khác nhau. Trong giai đoạn hội nhập khu vực và quốc tế sâu, rộng như hiện nay và trước chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng là một yêu cầu cấp bách, cần được ưu tiên.

Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực du lịch đặc biệt là nguồn nhân lực du lịch caođảm bảo chất lượng trong sự nghiệp phát triển du lịch của nước nhà, thời gian gần đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các cơ sở đào tạo, đơn vị liên quan tổ chức nhiều Hội thảo bàn về vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch: Hội thảo khoa học toàn quốc về “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao – Thực trạng và giải pháp” tại Nha Trang, Khánh Hòa vào tháng 10 năm 2016, Hội thảo quốc gia “Đào tạo nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017” tại Hà Nội vào tháng 12 năm 2017, Hội thảo quốc tế “Phát triển nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập” tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 8 năm 2019; đồng thời Hiệp hội Đào tạo du lịch và nhiều cơ sở đào tạo du lịch cũng đã tổ chức nhiều hội thảo bàn về vấn đề này với mục đích để toàn xã hội và các bên liên quan nhận thức được tầm quan trọng và tính cấp thiết của công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong giai đoạn hiện nay, đồng thời lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học khuyến cáo các giải pháp khả thi với lộ trình thích hợp, có cơ chế chính sách, chế tài phù hợp… nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.

2. Yêu cầu nhân lực ngành du lịch

Năm 2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 1509/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án Nghiên cứu nhu cầu nhân lực du lịch để xác định quy mô, ngành nghề đào tạo trong lĩnh vực du lịch đến năm 2025, tầm nhìn 2030, trong đó nêu rõ yêu cầu phát triển nguồn nhân lực du lịch đến 2025 tầm nhìn 2030, cụ thể như sau:

2.1. Yêu cầu đối với số lượng lao động

Theo dự báo của Quy hoạch phát triển nhân lực du lịch đến năm 2020, nhu cầu về lực lượng lao động ước tính lên tới 870.000 người và tỷ lệ tăng bình quân mỗi năm 6%. Năm 2025 số lao động các loại làm việc trực tiếp trong ngành du lịch ước tính theo nhu cầu dự báo là trên 1.165.000 người với tốc độ tăng trưởng là 6,2% năm.

2.2. Yêu cầu đối với chất lượng lao động

Cùng với yêu cầu về số lượng, yêu cầu về chất lượng lao động của ngành Du lịch rất cần thiết để đảm bảo mục tiêu đặt ra.

Yêu cầu chung về chất lượng lao động thể hiện ở các mặt sau đây:

1) Đảm bảo qua đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ lao động du lịch được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, quy trình kỹ thuật nghiệp vụ, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm;

2) Tinh thần thái độ phục vụ chu đáo đúng mực;

3) Có năng lực ngoại ngữ, tin học đảm bảo yêu cầu của từng nghiệp vụ cụ thể;

4) Đảm bảo lực lượng lao động cân đối giữa các ngành nghề, vùng miền trên toàn quốc và các khu vực.

Trong đó, yêu cầu thứ (1) thể hiện cụ thể ở việc người lao động đó hoàn thành công việc được giao một cách tốt nhất (đối với cán bộ quản lý), thực hiện đúng đầy đủ các quy trình nghiệp vụ kỹ thuật theo từng nghiệp vụ cụ thể, phát huy khả năng độc lập và tinh thần phối hợp, làm việc nhóm.

Yêu cầu thứ (2) thể hiện ở việc tạo dựng cho đội ngũ trực tiếp trong ngành du lịch một tinh thần tận tuỵ với công việc không ngại khó không ngại khổ, chu đáo góp phần thỏa mãn nhu cầu của khách một cách tốt nhất trong khả năng cho phép, tạo được ấn tượng và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Yêu cầu thứ (3) thể hiện ở việc theo từng chuyên môn nghiệp vụ trong Ngành, đòi hỏi lao động phải có năng lực ngoại ngữ, tin học phù hợp, đảm bảo phục vụ khách du lịch một cách tốt nhất và là điều kiện để thực hiện được các yêu cầu ở trên.

Yêu cầu thứ (4) thể hiện ở việc không để tình trạng tranh giành lao động gây xáo trộn thị trường lao động du lịch, do sự phân bố không đồng đều về nhân lực du lịch cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp du lịch, của các đơn vị sự nghiệp và cơ quan nhà nước trong quản lý phát triển du lịch, tác động trực tiếp đến chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch.

Về chất lượng đào tạo phải đảm bảo học sinh, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở đào tạo du lịch và người lao động đã qua các đào tạo hình thức đào tạo, bồi dưỡng khác tìm được việc làm trong ngành Du lịch đúng với chuyên ngành đào tạo, được cơ sở sử dụng lao động thừa nhận và cuối cùng là phải đáp ứng được yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ của vị trí công việc.

2.3. Yêu cầu đối với cơ cấu ngành nghề lao động

Cơ cấu lao động phải đảm bảo hợp lý giữa các trình độ đào tạo: đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề; giữa các loại công việc: quản lý, giám sát và lao động nghiệp vụ; giữa các ngành nghề, lĩnh vực: khách sạn, nhà hàng, lữ hành, các dịch vụ khác; giữa các nghề: lễ tân, phục vụ buồng, nấu ăn, hướng dẫn viên, điều hành tour, nhân viên đại lý…; giữa các vùng miền trong toàn quốc.

Về cơ cấu lao động theo lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, số lao động du lịch chủ yếu làm việc trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, cơ cấu dự báo năm 2020 như sau: Khách sạn, nhà hàng ăn uống chiếm 50,4%; lữ hành, vận chuyển khách chiếm 15,1% và dịch vụ giải trí, dịch vụ khác chiếm 34,5%.

2.4. Yêu cầu đối với ngành nghề lao động mới

Một số ngành nghề hiện nay và dự báo trong tương lai sẽ cần nhiều nhân lực nhưng các cở sở đào tạo du lịch trên cả nước chưa đào tạo, hoặc đào tạo chất lượng chưa cao, gồm:

Quản lý du lịch,

Điều hành Tour,

Hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm,

Lĩnh vực Spa và du lịch chăm sóc sức khoẻ,

Caddy phục vụ sân gôn,

Marketing Du lịch,

Lĩnh vực kinh doanh Bất động sản du lịch (Condotel),

Hướng dẫn du lịch có ngoại ngữ hiếm (Tiếng Myanma, Inđônêxia, Ả-rập)…

3. Một số giải pháp phát triển nhân lực du lịch đảm bảo chất lượng và yêu cầu của ngành trong bối cảnh hiện nay

Trên cơ sở phân tích thực trạng và yêu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu, ngành nghề trong lĩnh vực du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xác định và đề xuất một số giải pháp phát triển nhân lực du lịch đảm bảo chất lượng và yêu cầu của ngành trong bối cảnh hiện nay, cụ thể:

Giải pháp thứ nhất: Hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo lĩnh vực du lịch;tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nhân lực ngành Du lịch;tuyên truyền nâng cao nhận thức, nâng cao hình ảnh nghề nghiệp du lịch.

– Giải pháp thứ hai:Huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt các tập đoàn lớn trong việc bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch;tạo điều kiện để các thành phần trong xã hội có thể tham gia phát triển nhân lực ngành du lịch, đặc biệt là thu hút các doanh nhân, nghệ nhân, lao động nghề bậc cao tham gia đào tạo. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đào tạo tại doanh nghiệp du lịch.

– Giải pháp thứ ba: Củng cố tăng cường năng lực và hoàn thiện mạng lưới cơ sở đào tạo du lịch đảm bảo liên kết chặt chẽ và cân đối giữa các trình độ đào tạo, ngành nghề đào tạo và phân bố vùng, miền hợp lý, phù hợp với Chiến lược và Quy hoạch phát triển du lịch quốc gia. Cơ cấu lại mạng lưới cơ sở đào tạo du lịch; chú trọng đầu tư cho các cơ sở đào tạo chuyên về du lịch trực thuộc Bộ VHTTDL; quan tâm các cơ sở đào tạo khác có đào tạo du lịch; đa dạng hóa các cơ sở đào tạo du lịch. Xây dựng chuẩn trường đào tạo du lịch; phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và đào tạo viên du lịch; sửa đổi và phát triển chương trình đào tạo.

– Giải pháp thứ tư: Chuẩn hóa quy định về tiêu chuẩn của nhân lực du lịch, phù hợp với các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế tạo để điều kiện cho hội nhập quốc tế về lao động trong du lịch.

– Giải pháp thứ năm: Áp dụng chính sách ưu đãi nhất theo quy định hiện hành để thu hút các chuyên gia, nhà giáo có trình độ, kinh nghiệm và uy tín trong nước và quốc tế về giảng dạy tại các trung tâm đào tạo, đồng thời áp dụng các chính sách ưu đãi nhất theo quy định hiện hành để hỗ trợ sinh viên, lao động quản lý nhà nước về du lịch được đào tạo sau đại học các chuyên ngành du lịch tại các nước có du lịch phát triển.

– Giải pháp thứ sáu: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến vào công tác nghiên cứu, thống kê phục vụ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành Du lịch.Tăng cường công tác thống kê và nghiên cứu khoa học phát triển nhân lực ngành Du lịch; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ứng dụng, khai thác hiệu quả công nghệ thông tin để thúc đẩy công tác đào tạo nhân lực ngành Du lịch; thiết lập và vận hành cơ sở dữ liệu về nhân lực ngành Du lịch. Xây dựng và phổ biến các chương trình đào tạo trực tuyến lĩnh vực du lịch dựa trên các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia đã được ban hành.

– Giải pháp thứ bảy: Khuyến khích việc tạo lập kết nối bền vững, hợp tác cùng phát triển giữa các thành phần của “Hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp” bao gồm: các cơ sở đào tạo du lịch, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, các tổ chức nghiên cứu – phát triển; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp nâng cao sức cạnh tranh của các cơ sở đào tạo du lịch phù hợp với CM 4.0.

– Giải pháp thứ tám: Tăng cường hợp tác ba nhà trong phát triển nguồn nhân lực du lịch; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đào tạo phát triển nhân lực du lịch. Khuyến khích các cơ sở đào tạo du lịch và cơ sở nghiên cứu có đào tạo du lịch lập cơ sở sản xuất, cơ sở dịch vụ; phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp du lịch trong hoạt động đào tạo; tạo điều kiện để các thành phần trong xã hội có thể tham gia phát triển nhân lực ngành Du lịch; tăng cường thu hút vốn, công nghệ tiên tiến nước ngoài phục vụ phát triển nguồn nhân lực du lịch./.

Theo ĐTT

Vụ ĐT-BVHTTDL

Leave a Reply

Thông tin tuyển sinh

Các bạn cần thắc mắc tham khảo ý kiên vui lòng liên hệ P. Tuyển Sinh

Km số 5 đường Cam Ly,
Phường 7 – Đà Lạt

02633.554.913
daotaodtc@gmail.com

Thứ 2 – Thứ 7 8:00A.M. – 17:00P.M.

Kênh truyền thông

Để lại thông tin tư vấn

THÔNG TIN TUYỂN SINH